Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

Luận bàn về phương sách phát triển 1 doanh nghiệp khởi nghiệp

Tôi đang có ý định viết 1 chuỗi bài về phát triển doanh nghiệp cũng như phương sách gầy dựng công ty từ số không. Thật không quá lời nếu nói khởi nghiệp là ước mơ của nhiều người. "Khởi nghiệp" hiện cũng đang là một cụm từ "hot" mà nhiều tờ báo đã giành hẳn chuyên trang cho chuyện khởi nghiệp. Những câu chuyện khởi nghiệp thành công nghe thật hấp dẫn và thôi thúc. Tuy nhiên đằng sau những câu chuyện ấy có hàng ngàn câu chuyện thất bại đã không được lên báo.

Với kinh nghiệm của mình, tôi sẽ viết một loạt bài như sau:
+ Làm sao để xây dựng ý tưởng khởi nghiệp phù hơp?
+ Làm sao để củng cố tài chính và sống sót?
+ Làm sao để phát triển được nguồn nhân lực trong một doanh nghiệp siêu nhỏ?
+ Làm sao để hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp với quy mô doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp phát triển trong dài hạn?

Phần 1: Làm sao để xây dựng ý tưởng khởi nghiệp phù hợp?
Chắc trước khi đọc bài này rất nhiều bạn có những ý tưởng kinh doanh đầy thú vị. Điều đó không có gì lạ, có người nói rằng họ có trong tay 10- 20 ý tưởng kinh doanh hoàn toàn khả thi nhưng cuối cùng vẫn không thấy họ làm được gì. Khi còn học đại học tôi học môn Chiến lược, thầy giáo chia sinh viên thành các nhóm làm đề tài thì có nhóm đề xuất "kinh doanh ý tưởng". Thật trùng hợp là sau 7 năm, khi tôi  giảng môn Chiến lược  tại trường đại học, tôi ra đề tài nhóm tương tự thì có nhóm sinh viên cũng đề xuất  "kinh doanh ý tưởng". Như vậy tôi thấy rằng ý tưởng kinh doanh luôn ở khắp mọi nơi và ai cũng có thể tìm ra được ý tưởng cho mình. Tuy nhiên nếu việc ra ý tưởng và bán được tiền dễ như vậy thì có nhiều người đã giàu to. Theo quan điểm cá nhân thì tôi cho rằng để khởi nghiệp ý tưởng cần phải đáp ứng ba yếu tố:
+ Khả thi về kỹ thuật
+ Khả thi về thị trường
+ Khả thi về tài chính

Trước tiên là Khả thi về kỹ thuật: Cũng như nhiều người khác, tôi có rất nhiều ý tưởng cực kỳ độc đáo. Ví dụ  như làm ra một  phần mềm đặc biệt hữu ích, sinh lợi lớn, tuy nhiên trở ngại rất lớn chính là làm sao để tạo ra được nó! Thật vậy, chúng ta thấy nhiều người khởi nghiệp nổi tiếng như: Bill Gate làm ra Windows, Mark Zuckerberg tạo ra facebook, Lary Page và Sergey Brin tạo ra Google. Họ đều có điểm chung rất lớn là dân kỹ thuật, chính họ là những người lập trình siêu giỏi đã làm nên phần lõi ban đầu của hệ thống. Đằng sau tấm gương rực rỡ ấy, nếu các bạn tìm hiểu câu chuyện của họ đều nhận ra sự thật kém tự hào hơn: Bill Gate không phải là người đầu tiên làm ra Windows, Bill "cóp" lại của người khác! Hay Mark làm facebook từ việc ăn cắp ý tưởng của bạn học. Họ thuê Mark viết code tạo ra mạng xã hội theo ý tưởng của họ, Mark đã “chôm chỉa” và tạo ra facebook chiếm thị trường vài tháng trước khi "giao hàng" code mạng xã hội theo thỏa thuận. Cặp bạn học song sinh đã khởi kiện, và Mark phải bồi thường cho họ hàng trăm triệu dollar. Như vậy có một ý tưởng tốt chưa phải là quyết định, và thật tệ hại khi bạn phải nhờ người khác làm giùm. Điều này thật đáng buồn, nếu bạn xuất phát điểm học chuyên ngành kinh tế, bạn sẽ không nắm được chìa khóa kỹ thuật để làm bất kỳ việc gì. Việc trông chờ vào người khác có thể khiến bạn bỏ lỡ cơ hội hoặc mang lại rủi ro lớn. Ví dụ như trong câu chuyện dưới đây:

Các bạn đọc bài này. Elizabeth Holmes là nữ CEO khởi nghiệp tại Mỹ. Cô giới thiệu hệ thống thử máu 70 kết quả thử nghiệm chỉ bằng 1 giọt máu. công ty của cô được định giá đến 4,5 tỷ USD. Từ đỉnh vinh quang được giới truyền thông tung hô bỗng nhiên cô lại trở thành tay trắng chỉ trong vài ngày vì các cáo trạng xét nghiệm máu không chính xác. Vấn đề ở đây chính là cô có ý tưởng tuyệt vời và có trong tay những phát minh hóa học làm nền tảng cho cách xét nghiệm mới. Thế nhưng cô không phải là dân kỹ thuật, cô phụ thuộc vào đội ngũ kỹ thuật chế tạo máy móc và họ đã không làm ra được sản phẩm nhưđã hứa. 4,5 tỷ USD thoáng chốc trở thành không khí!
Chính vì lẽ đó vấn đề khả thi về kỹ thuật luôn mang tính quyết định. Ý tưởng của bạn có thể không phải mới nhất, độc đáo nhất nhưng bạn phải có giải pháp kỹ thuật để nó luôn là tốt nhất, ổn định nhất. Đặc biệt lưu ý nếu bạn xuất phát điểm không phải là dân kỹ thuật thì bạn phải có những đối sách phù hợp và cẩn thận khi phát triển ý tưởng thông qua người khác. Không phải cứ là dân kỹ thuật thì mới có thể thành công trong dự án công nghệ. Một ví dụ nhỏ như ứng dụng Uber đã thành công dù những người sáng lập không phải dân lập trình. Bởi lẽ việc vận hành hệ thống khó hơn nhiều so với lập trình và ứng dụng kỹ thuật chỉ là công cụ thực hiện hệ thống kinh doanh.

+ Khả thi về thị trường: Nền tảng kỹ thuật đã đảm bảo cho việc kinh doanh của bạn được lâu dài nhưng có thể lại không khả thi về mặt thị trường.Thật vậy, bạn cần suy nghĩ thật kỹ trước khi trả lời các câu hỏi như: thị trường có thật sự cần không? Nhu cầu đó có đủ lớn không? Sản phẩm và dịch vụ đó có dễ bắt chước không? Tôi có một ví dụ nhỏ chia sẻ với các bạn. Lúc trước tôi có hứng thú với ý tưởng kinh doanh " tâm sự qua mạng hay qua điện thoại tính tiền" Trong mô hình ý tưởng này, các khách hàng trả tiền để được trò chuyện với tư vấn viên hoặc với chuyên gia tư vấn có tên tuổi. Dự án rất khả thi vì nhu cầu tâm sự và chia sẻ luôn ở khắp mọi nơi.
Tuy nhiên, vấn đề lại phát sinh theo chiều hướng hoàn toàn khác. Nhu cầu thị trường không thật sự nhiều như mong đợi. Khó tìm được lượng khách lớn và liên tục mỗi ngày. Thực tế là tâm sự thì luôn là nhu cầu ở khắp nơi nhưng không nhiều người muốn trả tiền để trò chuyện với chuyên gia tư vấn qua điện thoại. Dịch vụ nghiêm túc thì ế ẩm mà nảy sinh nhiều khách hàng muốn trò chuyện với "hot girl" để tán tỉnh và hẹn hò hơn. Các dịch vụ kiểu này khi ra đời bỗng chốc biến tướng trở thành một dạng mô giới "gái xinh" với cánh đàn ông cô đơn.

Trong một vấn đề khác, nhu cầu luôn sẵn có nhưng sản phẩm và dịch vụ đó là quá dễ bắt chước. Trường hợp này thì thị trường cũng không khả thi. Thật vậy, nếu bạn "phát minh" ra món trà chanh, hoặc mì cay 7 cấp độ; đảm bảo sẽ có ít nhất 200 tiệm mở ra cạnh tranh với bạn chỉ vài tuần sau khi bạn khai trương đông khách. Bạn chỉ có thể áp dụng chiến lược " hớt váng" mở thật nhanh, thu lợi thật nhanh và cũng dẹp tiệm nhanh trước khi sản phẩm giống như bạn tràn ngập và ế ẩm.
Sự việc sẽ tồi tệ hơn nếu bạn là người đi sau chạy theo trào lưu, như bắt chước người ta bán mật ong nghệ hoặc trà thảo dược. Trong khởi nghiệp có rất nhiều người muốn khẳng định mình vượt trội, sản phẩm của mình khác biệt. Tuy nhiên khi kinh doanh càng khó thì sáng tạo chết dần và người ta lại xoay sang hình thức bắt chước với mong muốn được tồn tại và bỏ quên khát vọng ban đầu. Có nhiều bạn luôn đặt các slogan cho công ty như: khác biệt, sáng tạo, tiên phong... Thế nhưng thực tế thì công ty của bạn chỉ đang làm các dịch vụ và thương mại bình thường như nhiều doanh nghiệp khác. Nếu bạn xác định khác biệt hóa là chiến lược kinh doanh, sáng tạo và ý tưởng tiên phong là động lực của khởi nghiệp thì phải tập trung vào những sản phẩm hoặc lĩnh vực kinh doanh mới mẻ tránh xa việc chạy theo thị hiếu, theo trào lưu.

+ Khả thi về tài chính: Dự án của bạn có thể xuất sắc tuyệt vời nhưng nó lại không mang lợi nhuận!
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/bo-hoc-thac-si-di-ban-ve-xe-online-3007805.html
Câu chuyện về vexere.vn được tôi dùng làm ví dụ dù nhiều người sẽ tranh cãi rằng thấy công ty này vẫn đang mở rộng rất tốt và được ca ngợi khắp nơi. Thật vậy, Google search bạn sẽ thấy vô số bài PR tán dương "thành công" của doanh nghiệp khởi nghiệp này. Tuy nhiên nếu bạn tư duy kỹ hơn trong bài viết nêu trên có nói: "nhiều doanh nghiệp đã làm trước đây nhưng không thành công vì biên độ lợi nhuận quá thấp". Nhận xét này hoàn toàn đúng, vì vé xe vốn dĩ quá rẻ, các nhà xe cạnh tranh nhau rất sát, liệu họ sẵn sàng trích bao nhiêu phần trăm cho công ty mô giới như vậy. Bạn chỉ cần alo là nhà xe sẽ đón bạn. Bạn chỉ gặp chút khó khăn trong khoảng thời gian lễ tết. Trong khi đó chi phí vận hành cả một đội ngũ khổng lồ đến từng nhà xe để giữ liên hệ, và đầu tư khủng cho các phần mềm phức tạp… Nguồn thu thì không ổn định, theo mùa và không chắc chắn. Bài toán thu chi chắc chắn không giải quyết được.

Nếu vậy CEO "vexere" đã không trả lời được chính vấn đề này: Làm sao để có đủ nguồn thu nuôi doanh nghiệp và sinh lợi nhuận cao so với hàng chục tỷ rót vào? vexere.vn đã tự mò câu trả lời cho riêng mình theo nghĩa hoàn toàn khác, đó là bán mình cho nước ngoài khi không có thu lợi nhuận. Có lẽ mục đích đó đã rõ từ đầu khi đây là một dự án vẽ ra kiếm nhiều giải thưởng, hút các quỹ đầu tư nước ngoài rót tiền vào, nhưng khả năng tạo lợi nhuận thực tế là rất, rất thấp.

Theo quan điểm của tôi thì dự án khả thi phải tự nó sinh ra được lợi nhuận. Theo lẽ thông thường thì bất cứ ai khi bắt đầu kinh doanh đều vì mục tiêu lợi nhuận. Tuy vậy hiện này có một số doanh nghiệp biến tướng, các dự án hoành tráng nhưng không khả thi về mặt tài chính. Các doanh nghiệp như vậy rất chú trọng vẻ "hoành tráng" bên ngoài và tích cực PR trên truyền thông. Vì vậy nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam được tán tụng lên mây xanh nhưng thực chất thì không hề sinh ra lợi nhuận. Việc này tạo ra cách nhìn lệch lạc, một số báo chí ca ngợi các doanh nghiệp bán mình như là một thành công, ví dụ trường hợp này:

http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/khoi-nghiep/nu-hoang-khoi-nghiep-cua-viet-nam-3265811.html

Cũng như các bạn, tôi bị thu hút ngay bởi tiêu đề " Nữ hoàng khởi nghiệp của Việt Nam" nhưng nội dung không được như tiêu đề. Một cách nhìn lệch lạc của báo chí Việt Nam, khi vẽ ra một dự án kinh doanh và bán lại được tiền thì đó là thành công. Nếu thực sự là "nữ hoàng khởi nghiệp” thì cô ấy nên xem doanh nghiệp như đứa con tinh thần, chăm chút và tự hào về nó. Khi đó cô ấy sẽ không bao giờ phải bán doanh nghiệp của mình, quay lại làm thuê cho bên mua với vị trí chẳng liên quan gì tới "đứa con tinh thần" ấy. Theo quan điểm cá nhân tôi thì khởi nghiệp thành công là khi doanh nghiệp của cô ấy mang lại lợi nhuận thực thụ bằng kinh doanh chứ không phải tạo ra doanh nghiệp bề ngoài hoành tráng không có lợi nhuận và mau chóng bán được cho các quỹ đầu tư hay công ty nước ngoài với giá hời.

Nói tóm lại: Nếu bạn xác định là khởi nghiệp nghiêm túc thì đừng bắt chước trào lưu, chạy theo thị hiếu nhất thời. Bên cạnh đó khởi nghiệp không đồng nghĩa với việc kinh doanh lĩnh vực công nghệ hoặc phải có phát minh mới mẻ lớn lao. Tuy nhiên để khẳng định chỗ đứng trong thị trường và đảm bảo vị trí phát triển lâu dài thì ý tưởng khởi nghiệp phải có nét đặc trưng và có sự khác biệt nhất định so với phần còn lại của thị trường. Ngoài ra hãy bắt đầu bằng những dự án khả thi về kỹ thuật, nhưng phải khó bắt chước, đảm bảo cho doanh nghiệp mới thành lập đủ lớn mạnh. Hãy xem doanh nghiệp đó là đứa con tinh thần và đầu tư chăm chút cho nó để nó lớn lên, đơm hoa kết trái, mang lợi nhuận cho mình.


...Đón đọc các phần tiếp theo:
+ Làm sao để củng cố tài chính và sống sót?
+ Làm sao để phát triển được nguồn nhân lực trong một doanh nghiệp siêu nhỏ?
+ Làm sao để hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp với quy mô doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp phát triển trong dài hạn?

1 nhận xét:

  1. Blackjack Casino in St. Louis - DrmCAD
    When the game begins, blackjack players can 부천 출장안마 look forward to seeing a blackjack jack. 세종특별자치 출장안마 The players can 수원 출장마사지 choose from 안산 출장안마 a 강릉 출장안마 range of blackjack variants,

    Trả lờiXóa